Rong ruổi tìm họ hàng của “cụ Rùa” Hồ Gươm

Ông Dần cho biết, việc gặp những loài rùa to bằng cái nong, cái nia tại đầm Hậu là… thường xuyên. Đặc biệt nhiều năm ông làm nhà ở cù lao giữa đầm, nên lại càng hay gặp chúng hơn. Ở nhà ông Dần có treo một bức ảnh lớn minh họa hình ảnh các loài rùa hiện đang có mặt tại Việt Nam. Ông Dần không ngần ngại mà chỉ ngay vào cụ rùa Hồ Gươm mà khẳng định: “Những con mà tôi trông thấy y hệt con này!”.
>> Giải cứu “Rùa Hồ Gươm” ở Sơn Tây Có thể nói, hồ Gươm nổi tiếng linh thiêng một phần là có cụ rùa cùng sự tích trả gươm của Lê Lợi. Không ít người Hà Nội lo lắng rằng, cụ rùa tuổi đã cao, và một ngày nào đó cụ “ra đi” thì Hồ Gươm sẽ mất đi một biểu tượng thiêng liêng của mình. PV Chuyên đề ANTG vừa có cuộc khảo sát ở nhiều tỉnh miền Bắc và manh nha một kết luận, rùa Hồ Gươm sẽ không bị tuyệt chủng vì cụ vẫn còn họ hàng.

Rùa Hồ Gươm có họ hàng?

Còn nhớ, hồi tháng 4/2008, dư luận TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đều xôn xao trước thông tin mà các chuyên gia thuộc Chương trình Rùa châu Á công bố. Theo đó, họ đã phát hiện ra một loài rùa khổng lồ, quý hiếm (được cho là cùng loài với rùa Hồ Gươm) tại hồ Đồng Mô (Hà Tây cũ) sau nhiều năm nghiên cứu ròng rã.

Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với anh Nguyễn Xuân Thuận, Điều phối viên Chương trình Rùa Việt Nam của Chương trình Rùa châu Á và được nghe về quá trình nghiên cứu rùa của các tổ chức trên. Anh Thuận kể, từ năm 2001, các thành viên của Chương trình Rùa châu Á đã bắt tay vào việc rà soát, tìm kiếm các cá thể rùa quý hiếm ở Việt Nam. Cho đến năm 2003, các cuộc tìm kiếm được thực hiện nhiều hơn. Sau một thời gian dài, các thành viên của chương trình mới “khoanh vùng” được loài rùa quý hiếm được cho là loài Rafetus swinhoei.

Đoàn tập trung vào tìm kiếm ở lưu vực sông Hồng, kéo dài từ Lào Cai sang Yên Bái, về Phú Thọ, sang Hòa Bình, xuống Hà Tây. Cho tới cuối năm 2006, đoàn chỉ phát hiện được những tiêu bản rùa, những bộ xương, đầu rùa tại các địa phương trên.

Loài rùa Rafetus swinhoei thuộc loại cực kỳ quý hiếm trên thế giới. Phần đầu của chúng khá dài với phần miệng giống như mõm lợn. Kích thước của nó có thể dài trên 100cm, rộng trên 70cm và cân nặng khoảng 120-140kg. Mai của chúng có thể dài và rộng trên 50 cm. Phần đầu dài trên 20cm và chiều ngang trên 10 cm. Con đực nói chung nhỏ hơn con cái nhưng có đuôi to và dài hơn. Rafetus swinhoei đang trong quá trình tuyệt chủng do việc săn bắt để bán, ăn thịt hoặc sử dụng mai và xương trong y học. Đầu rùa cũng thường bị lưu giữ làm kỷ niệm.

Sau nhiều năm tìm kiếm ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng, tình cờ, ông Douglas B.Hendrie – Giám đốc Chương trình Rùa châu Á nghe nói ở một vùng hồ phía tây TP Hà Nội xuất hiện một cá thể rùa có thể là cùng loài với Rafetus swinhoei.

Theo người dân địa phương thì vào các tháng mùa hè, tháng nào họ cũng bắt gặp 1-2 con rùa rất to nổi lên trên mặt hồ để thở. Thậm chí nó còn leo cả lên bờ để phơi nắng. Mừng quá, Hendrie đã liên hệ với chính quyền địa phương, xin phép dựng lều tại bờ hồ để triển khai công tác tìm kiếm, bảo vệ.

Anh Nguyễn Xuân Thuận được cử “chuyên trách” mai phục ở bờ hồ để chụp ảnh, ghi lại các thông số mà anh quan sát được về loài rùa quý hiếm này. Đến tháng 3/2007, anh Thuận đã tận mắt nhìn thấy một cá thể rùa đúng như người dân mô tả nổi lên mặt hồ. Có thể nói, tin vui ấy đã khiến các thành viên của Chương trình Rùa châu Á vô cùng phấn chấn. Sau bao ngày tìm kiếm, họ đã chính thức xác định được tại Việt Nam có cá thể rùa Rafetus swinhoei thứ hai và là cá thể rùa thứ 4 trên thế giới còn sót lại cho tới thời điểm đó.

Vẫn theo anh Thuận, loài rùa mà Chương trình Rùa châu Á phát hiện có chiều dài chừng 60cm, cân nặng 80-90kg. Cá thể này có đốm màu rằn ri trên đầu, mép màu rất vàng, mai màu trắng xanh. Cũng chưa xác định được giới tính cho cá thể rùa này. Anh Thuận cũng khẳng định, đây là loài rùa sống tự nhiên 100%.

Tuy nhiên, cũng chưa ai dám chắc được rùa ở hồ Đồng Mô có họ hàng gì với cụ rùa Hồ Gươm hay không. Chúng tôi đã cố gặng hỏi thêm về những địa điểm khác ở nước ta có thể có sự xuất hiện của loài rùa khổng lồ, song chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Không nản chí, chúng tôi tiếp tục cầu viện “nhà rùa học” – Giáo sư Hà Đình Đức. Giáo sư Đức là người đã có gần 20 năm chuyên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm.

Trước câu hỏi, “vậy ở Việt Nam còn ở đâu có loài rùa to cỡ… rùa Hồ Gươm không?”, ông Đức khẳng định là có. Tuy nhiên, địa chỉ vị trí của những cá thể rùa này giáo sư cũng kiên quyết giữ kín. Chúng tôi dù năn nỉ đến mấy ông cũng chỉ cung cấp những thông tin “xưa như trái đất”, rằng một số hồ đầm ở hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái hiện vẫn còn loài này sinh sống.

Hồ Minh Quân – nơi được cho là vẫn còn nhiều họ hàng của “cụ rùa” Hồ Gươm.

Công cuộc tìm kiếm loài rùa khổng lồ tưởng như đã đi vào ngõ cụt thì một ngày nọ, người bà con của chúng tôi trú tại xã Minh Quân (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) lên chơi. Bên chén trà dư tửu hậu, tôi có đề cập tới hành trình đi tìm loài rùa khổng lồ ở đây, không ngờ người này cho biết. Ngày bé, anh từng tận mắt chứng kiến một cuộc giết thịt con rùa khổng lồ. Theo những gì anh miêu tả thì con “vật tế thần” này rất giống với loài Rafetus swinhoei mà các chuyên gia của Chương trình Rùa châu Á miêu tả. Mừng quá, chúng tôi lập tức khởi hành lên quê nhà anh.

Diện kiến… mai rùa

Cách Hà Nội hơn 100km, sau nửa ngày ngồi xe chúng tôi đã có mặt tại xã Minh Quân. Hỏi nhà ông Hoàng Xuân Bốn, người từng săn được con rùa khổng lồ, không ngờ trẻ con người lớn trong xã đều biết. Tuy vậy, chúng tôi gặp ông trong hoàn cảnh không được… thoải mái cho lắm.

Ông Bốn vừa bị tai biến mạch máu não, cho nên ngày nào bà vợ cũng tiến hành xông lá thuốc và xoa bóp để khôi phục các chức năng cho ông. Khi chúng tôi đến cũng là lúc ông đang ngồi xông. Do quá háo hức với thông tin ông từng bắt được rùa nặng hơn tạ, chúng tôi liền mở máy ghi âm và “chất vấn” luôn. Rất may bà vợ ông mau miệng và trí nhớ còn minh mẫn đã kể một cách rạch ròi.

Đó là vào mùa đông năm 1984, khi ấy ông Bốn đang là Xã đội trưởng của xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ở cạnh nhà ông có cái đầm Hậu (còn gọi là hồ Minh Quân) rộng tới cả trăm hécta. Đầm Hậu rất giàu thủy sản. Người dân trong làng ai muốn ăn cá, tôm… đều mang lưới, giỏ, hom ra thỏa sức bắt về. Trong đầm cũng có nhiều gò có thể cất nhà ở, hai bên bờ là cây cối um tùm. Đặc biệt, trong đầm có khá nhiều rùa sinh sống.

Vợ ông Bốn cho biết, cứ thỉnh thoảng đi làm qua đầm vẫn gặp những con rùa to bằng cái nong cái nia bơi lội thong dong. Tuy nhiên, rất hiếm khi lại gần được chúng.

Bà bảo, ngày nào bà cũng đi thuyền vào đầm để lấy nứa. Nứa sẽ được kết thành bè rồi chuyển ra bến, lên chợ đem đi bán. Nếu bơi thuyền một cách khéo léo, không làm động nước mạnh thì có thể lại gần những con rùa khổng lồ với khoảng cách 5-10m. Còn dùng sào chèo bè thì chỉ có thể thấy rùa ở tít xa. Tới gần làm động nước là lũ rùa lặn ngay.

Buổi sáng mùa đông ấy, ông Bốn đang chèo thuyền vào đầm kiếm củi thì thấy một con rùa to bằng cả cái nong đang… nằm phơi mình trên cù lao. Khi ông tới gần mà nó vẫn nằm yên không nhúc nhích. Ngạc nhiên, ông tới sát nó và phát hiện trên mai con rùa này bị thủng một lỗ dài chừng 5cm. Đoán con rùa này đã bị ai đó dùng súng bắn, trước sau gì cũng chết, ông Bốn liền vác dao nhảy lên cù lao để “hóa kiếp” cho nó.

Ông Bốn dùng hết sức, nhằm thẳng cổ rùa chém thật lực. Con dao chặt nứa vốn rất sắc, thường chỉ chém một nhát là cây nứa to bằng bắp chân người lớn cũng phải đổ rạp. Thế mà khi chạm vào da rùa chỉ kêu cái “pực” rồi bật ra. Con rùa nhỏm dậy hướng xuống nước bỏ chạy. Ông Bốn liền ôm lấy mai rùa, định giữ lại. Không ngờ nó khỏe quá, lôi ông xềnh xệch xuống sông. Biết là không bắt được nó, ông đành phải thả.

Về đến nhà, ông Bốn kể chuyện bắt hụt rùa cho dân làng nghe. Hóa ra, hôm trước có hai anh Tạ Huy Tính và Nguyễn Văn Nguyên đi vào đầm đánh cá, gặp con rùa trên đã lấy súng bắn vào lưng nó. Thế là nó lặn mất tăm.

Biết là con rùa bị thương sẽ không thể nằm dưới nước quá lâu (vì nước vào sẽ làm nó rất xót), ông Bốn liền rủ thêm mấy dân quân cùng mang súng đi tìm rùa. Quả nhiên, cả đoàn thấy nó nằm trên một cù lao khác. Ông Bốn nâng súng, nhằm thẳng đầu nó mà bóp cò. Thế rồi toán dân quân khiêng nó lên thuyền. Đưa được nó vào bờ thì cả đoàn ai nấy đều bở cả hơi tai vì nặng quá. Ông Bốn đi mượn một con trâu chuyên kéo cày, lại chặt nứa làm đòn buộc con rùa vào đó. Thế rồi ông cho trâu kéo về thẳng nhà mình.

Con rùa to bằng cả một cái nong tằm (đường kính khoảng 1,5m), nặng gần 140kg. “Phải dùng hai cái cân tạ lúc bấy giờ mới cân nổi nó” – bà vợ ông Bốn giãi bày. Cân xong, con rùa được đem xẻ thịt cho cả làng ăn. Ông Bốn giữ lại cái mai và cái đầu (to bằng cả cái phích). “Riêng phần da rùa được dùng để “đúc” dồi. Song khi ăn thì dai quá, không ai nhá nổi”, bà vợ ông Bốn kể tiếp.

Để chứng minh mình không bịa, ông Bốn bảo vợ leo lên gác xép lấy chiếc mai rùa cho chúng tôi xem. Chiếc mai dài chừng 80cm, rộng 50cm. Ông cho biết, sau khi phơi khô chiếc mai cứ co dần lại. Còn chiếc đầu rùa thì ông cho một người Mỹ vì họ tỏ ra quá thích nó.

Ông Hoàng Xuân Bốn cùng chiếc mai rùa ông bắt được tại hồ Minh Quân.

“Hiện nay trong đầm có còn con rùa nào to như thế nữa hay không?” – tôi hỏi. Ông lắc đầu buồn bã: “Sau lần tôi bắt được con rùa rồi đem xẻ thịt cho cả làng đánh chén thì đột nhiên lũ rùa trốn tiệt đi đâu hết cả. Rất hiếm khi người ta mới gặp được chúng. Cho tới thời điểm này thì lại càng khó gặp chúng hơn”.

Thế rồi ông giới thiệu cho chúng tôi sang gặp ông Trần Trọng Dần nhà ở ngay sát đầm – người được biết đến là “có duyên” với loài này nhất.

“Rùa khổng lồ vẫn còn!”

Năm nay 79 tuổi, ông Trần Trọng Dần trông vẫn quắc thước và khá minh mẫn. Ông cho biết, từ thời bé ông đã suốt ngày đi kiếm cá tôm, rùa loại nhỏ trong đầm về làm thức ăn cho gia đình. Việc gặp những loài rùa to bằng cái nong, cái nia là… thường xuyên. Đặc biệt nhiều năm ông làm nhà ở cù lao giữa đầm, nên lại càng hay gặp chúng hơn. Ở nhà ông Dần có treo một bức ảnh lớn minh họa hình ảnh các loài rùa hiện đang có mặt tại Việt Nam. Ông Dần không ngần ngại mà chỉ ngay vào cụ rùa Hồ Gươm mà khẳng định: “Những con mà tôi trông thấy y hệt con này!”.

“Vậy gần đây bác còn gặp loài rùa này nữa không?” – chúng tôi hỏi. “Có chứ, mùa đông nào tôi chả gặp” – ông Dần trả lời. Cũng theo lời ông kể, cách đây vài năm các điều phối viên Chương trình Rùa Việt Nam của Chương trình Rùa châu Á đã ở nhờ nhà ông gần nửa năm trời để “mai phục” chụp ảnh con vật ở đầm, đồng thời tìm hiểu các đặc điểm sinh học của chúng. Tuy nhiên, hoặc do thời gian quá ngắn (cũng có thể là do thiếu may mắn) mà họ đã không một lần gặp được rùa khổng lồ.

Còn theo miêu tả của ông Dần, trước kia ông thường gặp rùa khi đang chèo thuyền đánh cá. Khi ấy thì chỉ nhìn thấy cái đầu nó nổi lên, to bằng cái ấm tích. Cũng có lần ông trông thấy cả người khi nó lên cù lao nằm. “Tuy nhiên, vào những năm 90 của thế kỷ trước thì lũ rùa khổng lồ biến đâu mất tăm hết cả. Mỗi năm tôi chỉ còn nhìn thấy chúng một vài lần. Hầu như cứ vào tầm từ tháng Chạp năm trước cho đến tháng Giêng năm sau tôi đều đôi lần thấy chúng nổi lên hít thở khí trời” – ông Dần kể tiếp.

Chúng tôi đánh bạo nhờ ông cho lên một đảo ở trong đầm với hy vọng sẽ được một lần diện kiến rùa khổng lồ. Nhờ có chiếc thuyền ba lá, khoảng nửa giờ chúng tôi đã “đổ bộ” lên một khu đảo gần nhất. Từ đây nhìn ra có thể thấy đầm mênh mông sông nước với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, cùng rất nhiều ngách nước đan cài vào các khe núi.

Anh Nguyễn Văn Tạo, một hộ dân sống trên đảo kể. Ngày mới ra đảo lập nghiệp anh đang chẻ nứa lợp mái nhà thì thằng con 8 tuổi đang bơi lội dưới đầm hớt hải chạy về. Qua lời nó kể thì khi đang mải kỳ cọ dưới đầm, nó bỗng thấy một con rùa to lắm, “to như cái con gì chở thầy trò Đường Tăng trong phim Tây Du Ký bố ạ” – con anh nói.

Ông Trần Trọng Dần: “Những con giải mà tôi trông thấy y hệt con này!”.

Lúc ấy anh Tạo còn mắng con là nhìn gà hóa cuốc. Nhưng mấy hôm sau khi anh đang chống thuyền thả lưới thì thấy 2 con rùa to đùng đang bơi sát nhau. Lúc bấy giờ anh mới tin là trong đầm có rùa khổng lồ thật. Vợ anh Tạo cho biết thêm, thời gian ấy (những năm 80) cứ đến mùa là chị thấy lũ rùa to đùng bò lên bờ để đẻ trứng. Chị còn lấy trứng về luộc cho cả nhà ăn. “Tuy không ngon bằng trứng gà, trứng vịt nhưng ăn cũng tạm được” nhưng nhiều năm trở lại đây, hãn hữu lắm mới gặp được một lần chúng thò lên mặt nước – chị thở dài.

Vậy là, ở Việt Nam mà cụ thể là ở một số đầm, hồ tại các tỉnh phía Bắc vẫn đang tồn tại loài rùa khổng lồ. Nhưng liệu chúng có họ hàng gì với cụ rùa hồ Gươm hay không…?

(Còn nữa)

Leave a comment