Momiji-gari

Người Nhật nổi tiếng là thích ngắm hoa. Cứ đến mùa hoa đào vào mùa xuân là mọi người lại rủ nhau ngồi bên gốc cây anh đào, vừa ngắm hoa vừa chuyện trò, uống rượu hoặc hát karaoke. Nhưng người Nhật cũng coi mùa thu là đỉnh cao của sự hoàn mỹ và những chiếc lá vàng, lá đỏ chính là vẻ đẹp đặc biệt của mùa thu. Thú vui ngắm lá vàng, lá đỏ vào mùa thu được gọi là momiji-gari, dịch nghĩa là “nhặt lá thu vàng”. Người Nhật thích momiji-gari giống như thích ngắm hoa đào, tức hanami, và thông lệ đó bắt nguồn từ cuộc sống của người dân xứ này.

Cũng như hanami, từ momiji-gari xuất hiên trong tuyển tập thơ cổ nhất của Nhật Bản là “Manyoshu” (Vạn Diệp Tập). Một trong những người đóng góp công sức lớn cho tuyển tập thơ nói trên, ông Kakinomoto Hitomaro, đã sáng tác một bài thơ vào thế kỷ 7, tả những cánh hoa đào mỏng manh trong mùa xuân và những cánh rừng lá đỏ tuyệt đẹp của mùa thu. Sử sách cho rằng, thói quen ngắm sắc màu mùa thu khởi đầu là một thú vui thanh nhã của giới quý tộc trong thời Heian (794-1185) Họ đi thuyền trên ao hồ trong gia trang, vừa chơi nhạc, làm thơ, vừa ngắm cảnh, hoặc tổ chức đi chơi trên núi để nhặt những chiếc là sắc màu sặc sỡ. Nhưng khoảng thế kỷ 17, trong thời Edo (1603-1868), thú vui này lan sang những người bình dân và người ta bắt đầu tổ chức các tiệc rượu sake thịnh soạn trong khi ngắm cảnh đẹp mùa thu.

Nhật Bản là một quần đảo dài và màu lá bắt đầu thay đổi ở đảo cực bắc Hokkaido từ cuối tháng 9, sau đó dần dần lan xuống phía nam. Khi mùa thu đến, gần như ngày nào các chương trình truyền hình cũng đưa tin về những nơi nổi tiếng đẹp về màu lá mùa thu, cùng những thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm có thể ngắm lá thu đẹp nhất. Từ các trung tâm đô thị lớn tới những điểm có thể ngắm lá mùa thu khá tiện lợi và dễ dàng vì tới 70% diện tích Nhật Bản là vùng núi. Vì thế trong thời gian này, vào cuối tuần, các tuyến đường cao tốc nối thành phố với những điểm có thể ngắm lá vàng, lá đỏ, thường bị tắc nghẽn giao thông vì quá nhiều xe ôtô.

Ngắm lá đỏ

Từ momiji nói chung được dùng để chỉ tất cả những cây rụng lá và lá có màu đỏ hoặc vàng, kể cả cây thích, cây sồi, cây đào, v,v… nhưng cũng để gọi riêng cây thích bởi vẻ đẹp đặc biệt của lá cây này vào mùa thu. Tương tự, cụm từ kusa momiji dùng để chỉ một số loại cỏ phủ trên đồi núi mà lá cũng ngả vàng vào mùa thu.Cũng giống như những cánh hoa đào, chỉ gặp một trận mưa hay cơn gió là tan tác, những chiếc lá vàng, lá đỏ mùa thu có thể nhanh chóng mất màu và rụng xuống. Vẻ đẹp mong manh và chóng tàn đó rất hợp với tính nhạy cảm của người Nhật và khiến cho người Nhật thấy hấp dẫn.

Các bài thơ haiku và tanka của Nhật rất hay tả cảnh lá mùa thu và thú vui ngắm lá mùa thu. Hội họa, tranh khắc gỗ ukiyo-e và những hình thức nghệ thuật khác thường xuyên tìm cách thể hiện vẻ đẹp lộng lẫy của mùa thu. Và có thể thấy phong tục ngắm momiji trong các hình thức nghệ thuật sân khấu truyền thống như kịch noh và kabuki.

Sau đây là tóm tắt nội dung một vở kịch noh nổi tiếng có tựa đề Momiji-gari.

Một ngày nọ, một nhà quý tộc đi săn hươu ở vùng núi thuộc xứ Shinano (nay là tỉnh Nagano), bất chợt gặp nhiều cô gái sang trọng đang vừa uống rượu sake, vừa ngắm lá mùa thu. Họ mời nhà quý tộc cùng tham gia, tuy trước đó ông chưa bao giờ gặp, tiếp rượu sake cho ông, và nhảy một điệu vũ vô cùng duyên dáng.

Khi nhà quý tộc ngà ngà say và chợp mắt ngủ, bỗng nhiên một sứ giả từ ngôi đền Hachimangu xuất hiện, nói với ông rằng những người phụ nữ đó chính là lũ quỷ từ ngọn núi Togakushi gần đó. Rồi sứ giả trao cho nhà quý tộc một chiếc kiếm thần để tự vệ. Nhà quý tộc vừa choàng tỉnh giấc thì bị lũ quỷ tấn công, nhưng nhờ kiếm thần, ông đã tiêu diệt được chúng. Và vở kịch kết thúc.

Giống như khi hoa anh đào nở rộ, vẻ đẹp tuyệt vời của màu lá mùa thu đã kích thích cả sự cảm nhận về cái đẹp lẫn trí tưởng tượng của người Nhật. Do vậy, hai vẻ đẹp khác nhau đó của thiên nhiên đều trở thành chủ đề trong truyện thần thoại lẫn các vở kịch.

Xã hội đang ngày càng trở nên hiện đại và con người được bao bọc giữa nhiều kỹ thuật tân tiến. Nhưng dường như khi đời sống càng trở nên tiện nghi, con người càng cần những giây phút gần gũi với thiên nhiên. Và phong tục ngắm lá mùa thu momiji-gari chính vì thế càng không bị biến mất khỏi cuộc sống của người Nhật

Leave a comment